Bối cảnh Diodotos_II

Bản đồ các thành phố quan trọng ở Bactria.

Đế quốc Seleukos đã sáp nhập Bactria và các vùng đất lân cận trong giai đoạn từ năm 308 tới năm 305 TCN và biến vùng đất này thành một tỉnh của đế quốc. Vua Diodotos I đảm nhiệm chức vụ satrap (tổng đốc) của Bactria vào khoảng thập niên 260 TCN và đã từng bước đưa Bactria giành độc lập thoát khỏi sự cai trị của vị vua nhà Seleukos là Antiochos II Theos (261-246 TCN). Đỉnh điểm của quá trình này đó là sự kiện Diodotos I xưng vương và sáng lập nên vương quốc Hy Lạp-Bactria, tuy nhiên thời điểm diễn ra sự kiện này vẫn chưa được xác định rõ và nó được cho là diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 255 tới năm 245 TCN.[2]

Những đồng tiền xu được đúc dưới triều đại của Diodotos I có nguồn gốc đến từ hai xưởng đúc tiền khác nhau. Những đồng tiền xu mô tả bức chân dung của một người đàn ông già dặn trên mặt trước thì thường được xác định là thuộc về vua Diodotos I, còn những đồng tiền xu đến từ xưởng đúc tiền kia thì lại mô tả một bức chân dung trẻ hơn và theo Frank L. Holt thì đây chính là Diodotos II. Ông ta nêu giả thuyết cho rằng Diodotos đã được giao trọng trách cai quản một phần lãnh thổ của vương quốc cùng với một xưởng đúc tiền thứ hai. Đây chính là hình mẫu được nhà Seleukos tạo ra trước đó: thái tử sẽ đảm nhiệm vai trò đồng nhiếp chính và được giao trọng trách cai quản các tỉnh phía đông (bao gồm cả Bactria).[3] Vùng đất được giao cho Diodotos II cai quản hiện vẫn chưa rõ; Holt đã đề xuất một cách không chắc chắn rằng ông đã cai quản vùng đất phía Tây vốn hay bị người Parthia tấn công và căn cứ địa của ông được đặt tại Bactra.[4]